Nếu nghĩ bản thân chỉ còn một ngày để sống, bạn sẽ càng cố gắng trân trọng thời gian của mình hơn, cái nhìn của bạn với cuộc sống cũng sẽ khác hơn rất nhiều.
Khổng Tử nói, “vị tri sinh yên tri tử”, chưa sống thì làm sao biết được chết như thế nào, muốn biết sau khi chết ra sao thì phải biết trước kia sống như thế nào. Hay nói cách khác, giữa sống và chết thì sống quan trọng hơn, quan trọng ở sự hiểu biết và nhận thức sáng tạo của chúng ta về cuộc sống của chính chúng ta khi chúng ta đang sống.
Ai rồi cũng sẽ phải chết, đây là điều không còn gì để nghi ngờ. Nhưng mỗi người đều có thái độ khác nhau về cái chết. Từ thái độ đối với cái chết của bạn, chúng ta có thể biết cuộc đời của bạn như thế nào, sinh mệnh của bạn liệu có ý nghĩa hay không.
Theo Heidegger (một triết gia Đức), cái chết được coi là một sự tồn tại có ý nghĩa vô cùng, nó là sự đốc thúc của sinh mệnh, là sự phê duyệt cuối cùng của ý nghĩa sinh mệnh. Về ý nghĩa này, ông cho rằng chính cái chết đã hoàn thành sinh mệnh. Nếu chúng ta có thể sống vì cái chết thì tiến trình của sinh mệnh đó thực sự không tệ.
Cái chết là kết cục của mọi sinh mệnh. Sinh mệnh, tồn tại, giá trị, sáng tạo, hồi ức, ý thức, tình yêu, ngôn ngữ và tư tưởng,… những thứ này đều không thể thắng nổi thời gian.
Có sinh thì sẽ có tử, đây là quy luật của tự nhiên. Là người phàm trần, chúng ta không thể phá bỏ hay vi phạm quy luật này được, chỉ có thể tuân theo. Nhưng nếu bạn có thể thăng hoa tinh thần thì có thể nhìn thấy, chết không phải là mặt đối lập với sống mà là bước hoàn thành cuối cùng của sinh mệnh. Do có sự tồn tại của cái chết, sinh mệnh cuối cùng mới được viên mãn.
Nếu chúng ta có thể sống mà hướng tới cái chết thì sinh mệnh của chúng ta sẽ trở nên hoàn chỉnh hơn, trở nên giàu sức sống và tính sáng tạo hơn, chúng ta cũng có thể thoát ra khỏi sự sợ hãi và hoang mang về cái chết. Khi một người có tiến bộ trong suy ngẫm về cái chết, vậy thì bước đi của anh ta sẽ có nhịp điệu và ý nghĩa. Anh ta có thể mở rộng ý nghĩa này thành mối quan tâm sâu sắc đến cuộc sống nói chung, giống như Thích Ca Mâu Ni và chúa Jesus, đều có lòng từ bi đại ái.