Theo lời Phật dạy về cách chăm người bệnh gồm 5 bước cụ thể sau đây để biết phải làm gì khi chăm sóc bệnh nhân đúng cách, nhất là lúc mà mạng sống của họ đang phụ thuộc rất lớn vào chúng ta.
Có thể thấy, trong cuộc sống đời thường, không ít lần ta đi chăm người bệnh nhưng vì không thực sự hiểu biết nên ta làm mọi thứ một cách bản năng, thậm chí biết gì làm nấy, có khi còn làm sai, gây hại mà không hề hay biết. Vì thế, đừng bỏ qua những chỉ dẫn giá trị sau đây qua lời Phật dạy nhé:
Lời Phật dạy về cách chăm người bệnh
Theo lời Phật dạy về sức khỏe, đó là yếu tố hết sức quan trọng ảnh hưởng tới toàn bộ cuộc sống của chúng ta và thậm chí tiền cũng chẳng thể nào mua được sức khỏe. Vì thế, Đức Phật không chỉ đi giảng Pháp mà Ngài còn được ca ngợi là một Y vương, là bậc thầy của các thầy thuốc trong việc trị liệu tâm bệnh và thân bệnh của chúng sanh.
Bệnh tật không chừa một ai nên khi có người ốm bệnh, rất cần người ở bên chăm sóc, Đức Phật hiểu điều đó quan trọng đến mức nào nên Ngài cũng rất chú trọng trong việc chỉ dạy các đệ tử của mình biết cách chăm sóc người bệnh.
Theo Kinh Tăng nhất A hàm ghi chép lại rằng, khi Đức Thế Tôn đang ở vườn Cấp Cô Ðộc, rừng Kỳ Đà, nước Xá Vệ, Ngài căn dặn các Tỳ kheo của mình:
Nếu người săn sóc bệnh, thành tựu năm pháp này khiến người bệnh chẳng lành, nằm mãi trên giường chiếu. Thế nào là năm? Ở đây, người khán bệnh không phân biệt thuốc hay; lười biếng, tâm không dũng mãnh; thường ưa sân giận và ưa ngủ nghỉ; vì tham ăn nên coi sóc bệnh nhân không dùng pháp cung dưỡng; cũng không trò chuyện với bệnh nhân.
Ðó là, Tỳ kheo! Nếu người săn sóc bệnh thành tựu năm pháp này thì bệnh chẳng lành được.
Này Tỳ kheo! Nếu người săn sóc bệnh thành tựu năm pháp này thì người bệnh được lành, chẳng nằm liệt giường chiếu. Thế nào là năm? Ở đây người khán bệnh phân biệt thuốc hay; cũng không lười biếng, dậy trước, nằm sau; thường ưa chuyện vãn, ít ngủ nghỉ; dùng pháp cung dưỡng, không tham ăn uống; chịu thuyết pháp cho bệnh nhân.
Này Tỳ kheo! Ðó là người săn sóc bệnh thành tựu năm pháp này, bệnh có lúc được lành.
Cho nên, các Tỳ kheo! Lúc săn sóc người bệnh thì nên bỏ năm pháp trước, thành tựu năm pháp sau. Như thế, các Tỳ kheo, hãy học điều này.
Bấy giờ các Tỳ kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Áp dụng lời Phật dạy để chăm sóc bệnh nhân
Theo lời Phật dạy, người chăm bệnh không phải chỉ hỗ trợ về việc đưa cơm, giúp người bệnh ăn uống như cách chúng ta vẫn làm thông thường mà hơn cả như vậy:
Biết phân biệt thuốc hay
Việc phân biệt thuốc hay hay dở, công dụng cụ thể như thế nào tưởng rằng chỉ có bác sĩ mới phải là người hiểu rõ còn chúng ta chỉ răm rắp nghe theo những chỉ định đó. Thế nhưng theo Đức Phật khuyên thì chính người đi chăm người bệnh cũng phải trang bị kiến thức về thuốc cho mình, đặc biệt là thuốc liên quan tới người bệnh mà mình đang chăm.
Nếu ngẫm lại, một người chăm bệnh mà thiếu hiểu biết hoặc do nhầm lẫn nên đưa nhầm thuốc có khi còn hại thêm người bệnh, nhất là trong khi họ quá ốm và mệt, hoàn toàn phụ thuộc vào sự giúp đỡ của chúng ta.
Hoặc ví dụ như ta biết một loại thuốc nào đó sẽ có tác dụng phụ với người bệnh thì khi việc này xảy ra, ta có thể nói cho họ biết thông tin này để họ an tâm, bớt lo lắng hơn hoặc lúc cần sẽ đi gọi bác sĩ hỗ trợ nhằm có biện pháp điều chỉnh, cứu chữa kịp thời.
Vì thế, từ nay khi bạn đi chăm sóc ai đó đang ốm bệnh thì cố gắng dành thời gian tìm hiểu, đọc thêm về các loại thuốc liên quan vì việc này giúp ích rất nhiều cho việc hỗ trợ bệnh nhân khỏi bệnh.
Không lười biếng, dậy trước nằm sau
Không ít người vì lười biếng, ưa ngủ hoặc thậm chí là người chăm chỉ nhưng khi chăm người bệnh chỉ ngồi một chỗ lâu nên sinh nhàm chán, rồi buồn ngủ, dù mang tiếng là đi chăm người khác nhưng còn ngủ nhiều hơn cả bệnh nhân.
Việc này hoàn toàn không tốt vì rất nhiều vấn đề có thể xảy ra với người bệnh khi chúng ta vô tình ngủ quên, do đó một khi đã có ý thức là mình đang đi chăm sóc ai đó thì cố gắng không lười biếng, giữ cho bản thân tỉnh táo. Bạn có thể ngủ sau và dậy trước họ để còn quan sát xem có bất thường nào không, còn thông báo kịp thời với y, bác sĩ.
Thường ưa chuyện vãn, ít ngủ nghỉ
Một người ngã bệnh thì không chỉ có thân đau đớn mà tâm cũng hay buồn tủi. Họ hay tủi thân hơn, có suy nghĩ tiêu cực hơn, càng lâu ngày trên giường bệnh họ càng hay chán nản, cáu kỉnh. Ta cần hiểu điều này để mỗi khi họ thức giấc ta lại vui vẻ trò chuyện để họ quên đi chuyện của mình, nhớ chọn lọc câu chuyện tích cực để họ cảm thấy lạc quan và yêu đời hơn, đó mới là liều thuốc bổ tuyệt vời cho họ vào lúc này.
Người ta thường nói “nhọc thì nhằn” nên người bệnh trong lúc đau khổ, khó chịu họ hay cằn nhằn, thậm chí là xấu tính thì ta cũng nên hiểu và thông cảm, bỏ qua cho sự vô lý của họ. Nếu họ cần một người lắng nghe thì kiên nhẫn ở bên nghe họ tâm sự, chuyện trò để vơi đi chút muộn phiền, bức bối trong lòng.
Dùng pháp cung dưỡng, không tham ăn uống
Qua lời Phật dạy về cách chăm người bệnh có thể thấy Ngài suy nghĩ thật sự thấu đáo khi khuyên chúng ta ngoài việc thuốc thang hay trò chuyện để an ủi người bệnh thì vấn đề ăn uống của bệnh nhân cũng rất được xem trọng.
Do đó một người khi phát tâm nuôi bệnh cũng phải có ý thức để bồi bổ cho người bệnh bằng những món ăn phù hợp để họ có thể nhanh chóng hồi phục. Thực tế là không ít người vì tham ăn uống nên có khi còn ăn nhiều hơn người bệnh, ngại chăm nom họ, cảm thấy phiền vì người đang ốm bệnh rất khó cho ăn.
Hãy trao cho người bệnh tình thương chân thật nhất của mình, việc đó có thể chuyển hóa thành việc chuẩn bị những bữa ăn nhiều dưỡng chất, học hỏi thêm những kỹ năng săn sóc thân thể người bệnh, giúp bệnh nhân thân tâm đều thoải mái thì mới mau khỏi.
Chịu thuyết pháp cho bệnh nhân
Những bước chăm sóc trên không thể đầy đủ nếu thiếu đi bước cuối cùng này. Đạo Phật nói về chăm sóc sức khỏe là phải hiểu được cả gốc rễ của nó.
Cần cho người bệnh hiểu rằng bệnh tật là điều không ai muốn nhưng lại không thể tránh khỏi. Không riêng gì họ mà tất cả chúng ta đều trải qua việc này như là một cách để trả nghiệp trong quá khứ, sau khi hóa giải được điều này thì ta khỏi bệnh, có lại cuộc sống bình thường thậm chí còn tốt hơn trước rất nhiều.
Hơn nữa, khi có tâm thế an nhiên, đón chờ điều đang tới với mình, dù đó là bệnh tật thì ta mới có thể tránh tâm lý đổ lỗi, chỉ trích, để từ đó chỉ tập trung lo điều trị cho sớm khỏi bệnh. Trải qua thời gian nằm trên giường bệnh, ta sẽ càng cảm thấy quý mạng sống của mình hơn, từ đó có ý thức hơn trong việc chăm sóc bản thân từ thân cho tới tâm, chọn lối sống thiện lành và an yên hơn.
Ngay cả khi họ không còn hi vọng để cứu chữa vẫn cho người bệnh thấy được góc nhìn tích cực từ việc này, vì sinh – lão – bệnh – tử âu cũng là lẽ thường trong cuộc đời này. Cuộc sống ở trên cõi đời cũng là tạm bợ, ta cũng chỉ là khách trọ ở chốn này mà thôi, chỉ khác là ai ra đi trước hay sau.
Đức Thế Tôn từng dạy, săn sóc người bệnh thì phước báo cũng giống như săn sóc cho Như Lai vậy do đó hãy áp dụng đầy đủ những lời Phật dạy về cách chăm người bệnh trên đây để hoàn thành một việc tốt mà chúng ta đã phát tâm muốn làm. Làm được như vậy thì mới mong được phước vô lượng, mang lại an vui, hạnh phúc cho chính mình.