Thử làm một trắc nghiệm nhỏ, đặt bạn vào vị trí của Đức Phật trong câu chuyện tôi sẽ kể sau đây để xét thử xem bạn sẽ phản ứng như thế nào nhé!
Nếu một ai đó chửi bạn, bạn sẽ phản ứng ra sao?
1. Bạn chửi lại ngay lập tức.
2. Bạn lắng nghe thật kỹ họ chửi gì, ghi nhớ trong lòng và chờ dịp “trả đũa”.
3. Bạn bỏ ngoài tai những lời mắng chửi của họ, coi như không nghe thấy.
4. Bạn cứ kệ họ chửi, khi họ bình tâm lại, bạn sẽ chia sẻ với họ để hóa giải.
Trước hết, tôi xin kể mẩu chuyện Đức Phật cảm hóa các tu sĩ Bà La Môn trong Cư Trần Lạc Đạo – Cư Sĩ Chánh Trực. Thuở ấy, Phật giáo đang trên đà phát triển mạnh mẽ tại mẫu quốc. Một lần, Phật đi giáo hóa vùng Bà La Môn, Các tu sĩ Bà La Môn thấy đệ tử của mình đi theo Phật nhiều quá, nên ra đón đường Phật chửi. Phật vẫn đi thong thả, họ đi theo sau chửi. Thấy Phật thản nhiên làm thinh, họ tức giận, chặn Phật lại hỏi:
– Cù-đàm có điếc không?…
– Ta không điếc!
– Ngài không điếc sao không nghe tôi chửi?
– Này Bà La Môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự, mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng cho họ mà họ không nhận thì quà đấy về tay ai?
– Quà ấy về tôi chứ ai.
– Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì thôi.”

Ồ, đó là cách ứng đối của Đức Phật! Còn bạn?
Nếu bạn phản ứng như cách 1
Bạn là người mạnh mẽ, bộc trực, thẳng thắn. Bạn hiếm khi để bụng. Điều này đôi khi làm các mối quan hệ của bạn dễ bế tắc. Bạn cần điềm tĩnh hơn trước mọi việc, suy nghĩ kỹ trước mỗi lời nói, việc làm để tránh mắc những sai lầm đáng tiếc. Đức Phật rất điềm tĩnh đúng không bạn. Tính Phật có trong bạn, cũng có sẵn sự điềm tĩnh… Khi bạn điềm tĩnh, bạn cũng đang đem đến sự điềm tĩnh cho đối phương. Phật dạy: cho đi không bao giờ mất mà còn nhận lại được nhiều hơn…

Nếu bạn phản ứng theo cách 2
Khả năng “ủ mưu” của bạn rất cao thì phải. Tố chất biết lắng nghe, suy ngẫm trước khi phản ứng của bạn cho thấy bạn là một người phù hợp với vai trò lãnh đạo. Tuy nhiên, một “người lãnh đạo” thành công phải được lòng người trên kẻ dưới. Bạn nên dưỡng tâm từ bi như đức Phật trước những lời nói, việc làm chưa đúng của người khác để thành công hơn trong sự nghiệp. Bạn sẽ được nhiều người nể phục lắm đó!

Nếu bạn chọn cách phản ứng thứ 3
Có phải bạn biết Đức Phật dạy Kẻ ác hại người hiền thì cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước miếng. Nước miếng không đến trời, mà trở lại rớt xuống mặt mình! Như tung bụi ngược gió, bụi không tới người mà trở lại dính dơ thân mình. Bạn không nghe thấy, nên bạn cũng không nghĩ xấu, ác gì về họ. Bạn đã có sẵn mầm từ bi ở trong tâm mình rồi.

Hãy ươm mầm thành cây xanh tốt nhé. Một người xuất gia rất thường tu phẩm hạnh này đó ạ. Nếu bạn sống ở cõi ta bà, phẩm hạnh này của bạn sẽ giúp bạn tránh được phiền não từ bên ngoài tác động vào. Một người ác khẩu đến đâu, rồi một ngày cũng sẽ nể phục bạn!
Nếu bạn chọn cách phản ứng thứ 4
Bạn là một người cứu nhân độ thế giữa trần gian mất rồi. Đức Phật trong câu chuyện trên chẳng phải đã cảm hóa được vị Bà La Môn sao! Bạn cũng đang cảm hóa những người sân với bạn.

Hãy lựa chọn cách này để giải quyết những mâu thuẫn đời thường cho phù hợp nhé! Bạn sẽ khó mà mất đi các mối quan hệ thân thuộc.
Đức Phật giác ngộ độ đại chúng, Phật tử học đạo độ thân nhân…

Người tu giữ được chánh niệm thì an lạc trong thân tâm. Khi bạn bình tâm trước lời thị phi của người khác, bạn đã đang mở rộng tâm từ bi, khoan dung cho ác nghiệp của họ. Tâm bạn không dính mắc vào mê lầm, uất hận. Bạn có thể ngồi lại để cùng họ tìm ra nguyên do của sự thể, bạn thật cao thượng. Không ai tự dưng chửi bạn, phải có động cơ nào đó thúc đẩy họ. Bạn thấu hiểu được điều đó. Bạn ngồi lại để hóa giải mê lầm của họ đã thể hiện bạn sẵn sàng nhận lỗi nếu họ đã không chửi oan cho bạn. Trong các mối quan hệ gia đình, xã hội rất cần phẩm hạnh này. Khi xưa Đức Phật giác ngộ, ngài đã đi khắp nơi, độ cho mọi người. Bạn cũng đang làm điều ấy!
H.P