Phải chăng khi chết đi rồi, vãng sinh Tây phương cực lạc mới có thể được gặp Đức Phật cao quý? Nếu không, vậy làm sao để gặp được Phật?
1. Làm sao để gặp được Phật
Phải chăng khi chết đi rồi, vãng sinh Tây phương cực lạc mới có thể được gặp Đức Phật hoặc có chăng tất cả chúng ta đều có thể gặp Ngài, ngay trên thế gian này, trong cõi đời này, bất kể là người Phật tử hay không, có xuất gia hay không? Có vẻ như ai cũng thắc mắc điều này.
Qua hình tướng tìm Phật
Qua âm thanh tìm Phật
Làm vậy là sai đường
Làm sao gặp được Phật?
– Tìm Đức Phật nơi đâu?
Nói về cuộc đời Đức Phật, ai cũng biết rằng Đức Phật Thích Ca được đản sinh ở vườn Lâm Tỳ Ni, được gọi là Thái Tử Tất Đạt Đa, con của Vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Ma Gia, trị vì vương quốc Ca Tỳ La Vệ, thuộc nước Ấn Độ bây giờ.
Phải chăng để tìm được Phật, ta phải đi thật xa, cần phải qua Ấn Độ hay vào chùa mới gặp? Thực ra, Phật luôn luôn ở trong cuộc đời, ngay trên thế gian này, hiện hữu khắp nơi, nhưng chúng ta không thấy, vì chúng ta chỉ nhìn đời bằng đôi mắt thịt, mà quên xử dụng con mắt trí tuệ, để quan sát những gì tiềm ẩn bên trong, hoặc ý nghĩa của những việc làm.
Nơi các tôn tượng chư Phật, con mắt trí tuệ được tượng trưng bởi viên ngọc qúy ở giữa chặn mày, luôn luôn chiếu sáng, mang ý nghĩa: tuệ đăng thường chiếu, tức là ngọn đèn trí tuệ thường chiếu sáng, còn đôi mắt thịt, luôn luôn khép lại, không duyên theo cảnh trần.
Tuệ đăng thường chiếu nghĩa là con người sống luôn luôn tỉnh thức, không bị mê mờ, không bị dục lạc thế gian lôi cuốn, sống trong thế gian, nhưng không phiền lụy, cũng chẳng khổ đau.
Chúng ta có thể tìm thấy Phật qua sự sống trong tất cả mọi loài chúng sinh. Sự sống đó bàng bạc trong khắp không gian và thời gian, không hạn hẹp trong trăm năm của một kiếp con người.
– Nhìn đời bằng cặp mắt thịt
Trong cuộc sống hằng ngày, khi tiếp xúc giao thiệp với mọi người xung quanh, chúng ta thường nhìn người đời bằng cặp mắt thịt, trong kinh sách gọi là nhục nhãn. Vì thế, ta chỉ nhìn thấy được hình tướng bên ngoài của con người, phân biệt nam nữ, cao thấp, đẹp xấu, già trẻ, lớn bé, giàu nghèo, mập ốm.
Chính vì con người có cái nhìn phân biệt như vậy, cho nên cảm thấy phiền não và khổ đau nhiều hơn là an lạc và hạnh phúc. Tại sao vậy?
Bởi vì, khi có cái nhìn phân biệt như vậy, con người chỉ thấy xung quanh toàn là chúng sinh, cho nên khởi tâm thương ghét, làm cho cuộc sống đảo điên, tâm trí bất an.
Chẳng hạn như khi gặp người nào đẹp đẽ, hợp nhãn, hay gặp vật gì qúy giá, hiếm hoi, thì sinh lòng tham lam, ưa thích ngắm nhìn, muốn chiếm hữu làm của riêng. Toại nguyện thì hả hê, thích thú, bằng không được như ý, thì sinh tâm oán thù, ghét bỏ, bực dọc, tức tối.
Chẳng hạn như gặp người nghèo hèn, ít học, thì sinh tâm khinh khi, kỳ thị, rẻ rúng, còn gặp người giàu sang, học thức, thì thèm muốn, ước mơ, nịnh bợ.
Chẳng hạn như gặp người mập ú thì cười, gặp người gầy yếu thì chê…
Con người thường có ước mơ muốn được bình yên, nhưng tâm trí cứ chạy theo cảnh trần đời như vậy, lăng xăng lộn xộn cả ngày, suốt tháng, quanh năm, làm sao cuộc sống bình yên, an vui cho được?
Ly nhất thiết thướng, thị danh thực tướng – Kinh Kim Cang
Lời Phật dạy có nghĩa là: Khi nào lìa bỏ được tất cả các hình tướng bên ngoài, không chấp vào nhân dáng thế này thế khác, chúng ta mới có thể nhận ra thực tướng của tất cả mọi người.
– Thực tướng đó là gì?